Mina Protocol Là Coin Gì? Thông Tin Chi Tiết Về Đồng Mina

Mina Protocol Là Coin Gì?

Mina Protocol là coin gì? Mina là blockchain nhẹ nhất thế giới sử dụng công nghệ Zk (Zero Knowledge) và là dự án blockchain Proof Of Stake (PoS) được phát triển vào năm 2017 và đã thành công mainnet vào tháng 03/2021. Khác với nhiều blockchain khác sẽ dần nặng nề hơn qua thời gian và kích thước size 300GB thì với Mina kích thước blockchain luôn được giữ nguyên chỉ 22KB. Mina là dự án blockchain layer 1 đầu tiên sử dụng công nghệ Zk giúp cho người dùng có toàn quyền kiểm soát quyền riêng tư bằng cách xác thực và chia sẻ BẰNG CHỨNG dữ liệu đó mà không tiết lộ dữ liệu là gì.

Mina-protocol-la-gi-tat-ca-thong-tin-chi-tiet-ve-mina-protocol

Cách hoạt động của dự án Mina Protocol như thế nào?

Các node trong Mina Network

  • Thông thường đối với các blockchain khác thì sẽ có 1 nhóm các nhà vận hành node mà thường được gọi là miners/validators/block producers  nhưng ở Mina thì lại có 4 nhóm vận hành node:
    1. Đầu tiên là Block Producer
    2. Thứ 2 là SNARK Coordinator 
    3. Thứ 3 là Archive Node
    4. Thứ 4 là Querying Data
  • Tuy nhiên chúng ta chỉ nên tập trung vào 3 node chính và quan trọng nhất của Mina là Archive Node, SNARK Coordinator và Block Producer

Công dụng và tính năng của Block Producer trong mạng lưới Mina

Block Producer đóng vai trò giống như miner của Bitcoin hoặc Validator của các mạng lưới sử dụng PoS. Các Block Producer này đóng vai trò cung cấp bảo mật cũng như đồng thuận trên toàn bộ blockchain Mina. Họ chịu trách nhiệm tạo block mới chứa các giao dịch gần đây trên mạng cùng bằng chứng blockchain (blockchain proofs) chứng minh trạng thái hiện tại của chuỗi là hợp lệ, nhưng nó không chứng nhận các giao dịch riêng lẻ (individual transactions) nằm bên trong các blockchain proofs này có hợp lệ hay không. 

Việc của Block Producer là xác thực tính hợp lệ của trạng thái chuỗi (blockchain proofs), còn việc tạo ra các giao dịch riêng lẻ (individual transactions) nằm bên trong các blockchain proofs này sẽ do SNARK Worker đảm nhiệm, nếu Block Producers không muốn mua từ SNARK Workers thì họ có thể tự tạo những cái SNARK này cũng được nhưng đa phần là họ sẽ mua. Việc đẩy phần này từ Block Producer qua cho SNARK Workers giúp cho việc tạo ra các bằng chứng giao dịch này có thể thực hiện song song từ đó tăng thông lượng cho mạng lưới một cách đáng kể. Bạn cứ hình dung Block Producers sẽ tạo ra Blockchain Proofs nhưng không biết được các giao dịch nằm trong này có được thực hiện đúng hay không (trừ khi họ tự tạo như ở trên có nói)  nên việc của họ là cứ tạo cái bằng chứng này còn các giao dịch trong này có đúng hay không sẽ do SNARK Workers đảm nhiệm việc thực hiện nó.

Như ở trên bạn có thể thấy Block Producer nhận nhiệm vụ xác thực tính hợp lệ của trạng thái chuỗi vậy trạng thái của chuỗi hợp lệ là như thế nào? Nó có nghĩa là trạng thái mới này được cập nhật từ trạng thái cũ, bằng chứng của trạng thái cũ, consensus state, và nhiều các thứ khác nữa là đúng nhờ vào việc sử dụng SNARK đệ quy, nếu như bất cứ node nào tìm cách thay đổi thì sẽ không hợp lệ vì chắc chắn nó sẽ thay đổi trạng thái của chuỗi ngay.

Hãy xem thử ví dụ dưới để hiểu hơn nhé giả sử chúng ta nói là tiêu đề của blockchain hiện tại có trạng thái là a6f8792226… và chúng ta nhận được block mới với trạng thái à 0ffdcf284f… Block này sẽ chưa tất cả các giao dịch mà Block Producer đã chọn để tạo khối này cùng với các siêu dữ liệu liên quan. Giờ chúng ta nhận được một cái bằng chứng SNARK mà nó xác minh trạng thái như sau:

Block đang tồn tại có trạng thái 0ffdcf284f…  là phần được tạo ra từ trạng thái trước đó là a6f8792226… 

Các bạn có thể thấy rõ ràng trong cái trạng thái này không hề tuyên bố về việc xác thực các giao dịch nằm trong cái block mới được tạo này là hợp lệ, nó chỉ ghi nhận sự chuyển đổi trạng thái là đúng thôi, còn giao dịch bên trong nó đúng hay không thì nó không chứng thực.

Các Block Producer thường phải mua lại các SNARK Work từ SNARK Workers. Các Block Producers sẽ nhận được thu nhập là phí giao dịch và phần thưởng khối dưới dạng coinbase sau khi trừ đi chi phí mà họ phải trả cho việc mua lại SNARK Work từ SNARK Worker. Phần thưởng coinbase (coinbase reward) là tên gọi mà Mina gọi là phần thưởng khối khi các Block Producers tạo khối mới và được thưởng coin bên cạnh phí giao dịch, giống như đào Bitcoin vậy khi 1 khối mới được tạo ra thì người tạo khối đó sẽ được thưởng 1 ít coin (chia 2 sau mỗi halving) và đây là tên riêng dùng trong Mina nó cũng chẳng liên quan gì tới sàn giao dịch Coinbase cả. SNARK Work và SNARK Workers là gì sẽ được giải thích ở dưới.

Công dụng và tính năng của SNARK Coordinator

Node này đóng vai trò như một điều phối viên điều phối công việc một cách song song tới một nhóm các SNARK Workers.

Công dụng và tính năng của SNARK Worker

Khác với các blockchain khác khi miner/validator phải lưu trữ, xử lý, đồng thuận ở Mina các chức năng này sẽ được tách ra và Mina là một trong những dự án đầu tiên làm được điều này. SNARK Workers chính là một mạng lưới mà có rất nhiều người tham gia vào đó, họ chịu trách nhiệm xác thực giao dịch, tạo ra các SNARK hoặc các bằng chứng của SNARK (SNARK Proofs) của tất cả các giao dịch trong mạng lưới và từ đó duy trì được tính gọn nhẹ của blockchain Mina.

Mina là blockchain có đặc tính độc đáo là ngắn gọn do đó các Block Producers (Người tạo khối) bắt buộc phải thêm Zk-SNARK vào khối mà họ đề xuất, điều này cho phép các nodes bỏ đi các dữ liệu lưu trữ trước đây và chỉ cần giữ lại cái SNARK mới nhất thôi.

Vậy thì SNARK Workers sẽ nhận thu nhập như thế nào? Vì Block Producer sẽ nhận được phần thưởng khối và phí giao dịch khi tạo block mới, họ bắt buộc phải mua lại các SNARK Work được đóng gói từ các Transaction Proofstừ SNARK Workers và do vậy SNARK Workers sẽ có thu nhập cho công sức của mình.

Cách SNARK Workers này nhận các giao dịch, xử lý và tạo bằng chứng SNARK và rao bán các SNARK Work này ở Snarket Place nơi mà các Block Producers sẽ mua lại các SNARK Work này và bỏ nó vào khối mới.

SNARK Workers tính toán các giao dịch, tạo bằng chứng SNARK -> đẩy vào Snarket Place để bán cho Block Producers. Đây chính là lớp thực thi được tách rời ra khỏi mainnet, có thể thấy việc thực thi xong tạo bằng chứng về việc mình đã làm, và vì nó xài Zk-SNARK nên hoàn toàn có thể verify được nó có tính toán đúng hay không.

Công dụng và tính năng của Archive Node

Công dụng chính của Archive Node đúng như tên của nó là Node Lưu Trữ chính là lưu lại toàn bộ lịch sử giao dịch của blockchain Mina giống với mọi blockchain khác trên thị trường. Nhưng thay vì 1 miner phải làm hết các công việc từ lưu trữ, tính toán, đồng thuận, tạo khối vv như ở các blockchain khác thì ở Mina được tách ra cho nhiều bên tham gia, mỗi bên làm các nhiệm vụ khác nhau từ đó tối ưu rất nhiều về tính gọn nhẹ, xử lý giao dịch, xác minh giao dịch vv. Mặc dù toàn bộ trạng thái của blockchain đã được snapshot và lưu lại chỉ với 22Kb tuy nhiên trong 1 vài trường hợp chúng ta vẫn phải cần full lịch sử giao dịch để làm một điều cụ thể nào đó ví dụ như các Zk-apps cần phải nhận được các thông tin về sự kiện, hành động quá khứ để thực thi một việc gì đó, lúc này họ có thể nhận được các dữ liệu này từ một hoặc nhiều Archive Node của Mina.

Những điểm đặc biệt của Mina so với các dự án blockchain khác.

Mina chỉ nặng có 22kb nhưng vì sao Mina làm được điều đó?

Như các bạn đã biết các full node ở các blockchain khác sẽ phải lưu lại toàn bộ lịch sử giao dịch của chain kể từ khi nó được khởi chạy. Ở Mina cũng hơi giống như vậy nhưng có 1 chút khác biệt đó là việc lưu trữ toàn bộ giao dịch của blockchain từ lúc khởi tạo sẽ được đảm nhiệm bởi Archive Nodes. Còn trên mạng lưới Mina chỉ lưu trữ bằng chứng đệ quy Zk-proofs (recursive zero-knowledge proofs) của blockchain Mina mà thôi và do đó nó chỉ nặng 22kb. Vậy bằng chứng đệ quy Zk-proofs là gì?

Có 2 cách phổ biến nhất để tạo bằng chứng không kiến thức (Zero-knowledge) là Zk-SNARK và Zk-STARK trong đó mỗi loại tượng trưng cho:

  • Zk-SNARK: Zero Knowledge Succinct Non-Interactive Arguments Of Knowledge. 
  • Zk-STARK: Zero Knowledge Scalable Transparency Argument Of Knowledge. 

Các bạn lưu ý Zk-Proofs là bằng chứng không kiến thức được tạo ra từ một trong 2 cách phổ biến ở trên. Mina sử dụng Zk-SNARK và như tên gọi nó là bằng chứng không cần kiến thức ngắn gọn nhưng việc lưu trữ quá nhiều Zk-Proofs dần dần cũng sẽ khiến blockchain nặng đi và không còn giữ được tính gọn nhẹ của nó nữa. Và Mina đã tạo ra bằng chứng đệ quy của các Zk-Proofs này để giữ được blockchain luôn gọn nhẹ. Bạn hãy nhìn trong bức ảnh gif ở dưới, đệ quy chính là 1 quy trình vô tận mà trong đó khi bạn giao dịch xong và tạo 1 bằng chứng Zk-proofs, và khi bạn có 1 giao dịch thứ 2 thì bạn chèn cái Zk-proofs này vào trong khối mới trong đó có các giao dịch mới và sử dụng Zk-SNARK để tạo ra Zk-proofs mới mà trong cái Zk-proofs này lại có 1 phần của bằng chứng trước đó.

Bạn nghĩ như này cho đơn giản hơn bạn chụp hình 1 con voi xong bạn lại lấy 1 cái điện thoại chụp hình lại chính cái điện thoại có con voi ấy và để kế bên 1 cuốn sách, vậy thì trong bức ảnh thứ 2 đã bao gồm 1 con voi và 1 cuốn sách. Rồi giờ bạn lại để cái điện thoại chụp lần thứ 2 đó kế 1 cái kéo và lấy cái điện thoại khác chụp hình nó lại, vậy là trong bức ảnh thứ 3 bạn đã có ảnh 1 con voi, 1 cuốn sách và 1 cái kéo nhưng kích thước và độ nặng của bức hình là không đổi. Tương tự với giao dịch 1 bạn tạo ra 1 cái Zk-proofs cho giao dịch đó bằng Zk-Snark, xong ở giao dịch thứ 2 bạn lại đính kèm cái Zk-proofs của giao dịch 1 và thực hiện xử lý các giao dịch như bình thường và sử dụng Zk-Snark để tạo ra Zk-proofs của giao dịch 2, như vậy trong Zk-proofs của giao dịch 2 đã có 1 phần của giao dịch 1 cũng giống như ví dụ về chụp hình con voi ở trên. Việc lặp đi lặp lại tới vô tận như vậy được gọi là đệ quy. Và đó cũng chính là lý do vì sao Mina luôn nặng chỉ 22kb bất kể là blockchain đã tồn tại bao lâu.

Mina-protocol-la-gi-tat-ca-thong-tin-chi-tiet-ve-mina-protocol-2

Mina đã tách lớp lưu trữ, đồng thuận và thực thi ra như thế nào

Như hình bên dưới mình có vẽ minh họa đối với các blockchain thông thường thì khi giao dịch từ user được gửi đến nó sẽ vào mempool và các node sẽ chịu trách nhiệm thực hiện giao dịch, xếp nó vào khối mới, đề xuất khối, đồng thuận và lưu trữ thông tin luôn. Nhưng ở Mina sẽ có 1 xíu khác biệt, như mình có giới thiệu về các chức năng của các node chạy trong Mina như ở trên các bạn sẽ thấy là phần xử lý giao dịch (Execute) sẽ do Snark Workers đảm nhận, sắp xếp giao dịch và đề xuất khối sẽ do Block Producer đảm nhận, phần lưu trữ toàn bộ thông tin của blockchain sẽ do Archive Node đảm nhận, và mạng lưới Mina chỉ lưu lại bằng chứng không kiến thức (Zk-proofs) của mạng lưới và nó chỉ nặng 22kb mà thôi.

Mina-protocol-la-gi-tat-ca-thong-tin-chi-tiet-ve-mina-protocol-3

Và điều này chỉ có thể làm được khi sử dụng công nghệ Zk mà thôi đối với công nghệ Optimistic thì không thể làm được. Bởi vì bằng chứng Zk (Zk-proofs) cực kỳ dễ xác minh xem người thực hiện có làm đúng hay không mà không tốn nhiều thời gian, trong khi đó với giải pháp Optimistic cần phải có thời gian dài để xác minh xem có ai gian lận gì không (7 ngày) thì không thể nào đạt trạng thái finalized (thực sự hoàn thành giao dịch) được. Các giải pháp như Optimistic Rollup thực chất không hề hoàn tất giao dịch thật sự, ở Layer 2 sử dụng giải pháp Optimistic Rollup nó chỉ là soft-finalized mà thôi, tức là nó cập nhật số dư tạm thời trên mạng lưới layer 2, chứ chưa cập nhật số dư thật sự lên layer 1 do cần thời gian để kiểm tra coi có giao dịch nào gian lận không, vì như bạn biết đặc tính của blockchain là không thể sửa đổi cho nên nếu đã cập nhật số dư thật sự ở layer 1 thì không thể sửa được nữa.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cập nhật thẳng số dư ở layer 1 mà không kiểm tra xem đó có giao dịch gian lận nào không, nếu không thì tốt còn nếu có thì user sẽ mất tiền vì không đảo ngược lại giao dịch được một khi đã cập nhật ở layer 1. Tương tự như vậy hãy tưởng tượng Snark Worker ở trên cứ tự nhiên xử lý giao dịch, xong Block Producer cứ thêm nó vào blockchain luôn thì lỡ có gian lận xảy ra thì phải làm sao? Do đó trước khi thêm vào blockchain phải kiểm tra xem họ có làm đúng không hay làm bậy, nếu xài Optimistic thì không an toàn và chúng ta phải đi kiếm bằng chứng coi có ai gian lận hay không thì có khác gì tự mình làm hết đâu? Mắc gì phải giao việc cho 1 bên khác xong phải kiểm tra lại toàn bộ công việc mình đã giao đúng không. Vậy thì cần phải có 1 cách để kiểm tra tính chính xác coi bên đó có làm đúng hay không một cách nhanh chóng và hiệu quả, và nhờ có công nghệ Zk chúng ta hoàn toàn có thể xác minh các giao dịch có được thực hiện đúng hay không trong thời gian rất ngắn. Do vậy hoàn toàn có thể yên tâm giao việc xử lý cho 1 bên khác mà ở đây là Snark Worker, chúng ta chỉ cần kiểm tra cái bằng chứng (Zk-proof) mà họ trả về là biết giao dịch có được làm đúng hay không.

Ưu điểm của dự án Mina Protocol so với các dự án khác là gì?

Mina sử dụng Zk-Snark đệ quy khiến cho nó luôn luôn cực kỳ gọn nhẹ và vì sử dụng công nghệ Zero Knowledge, các giao dịch trên Mina cực kỳ bảo mật bởi vì tất cả các thông tin đều được lưu trữ ngay trên máy tính chỉ có bằng chứng tính toán được post lên trên on-chain mà thôi.

Hãy tưởng tượng bạn là một trader và bạn muốn chia sẻ cho mọi người biết % lợi nhuận của mình để tăng uy tín với khách hàng hoặc người follow bạn hoặc để khoe mẽ chẳng hạn thay vì chụp ảnh màn hình (mà có khi được photoshop chứ chưa chắc gì là real) hoặc chia sẻ lịch sử giao dịch có thể làm lộ ra những thông tin nhạy cảm và có rủi ro bảo mật. Zk-apps của Mina có thể giúp bạn chia sẻ bằng chứng bạn đã có lời 200% mà mọi người đều có thể biết 100% đây là sự thật vì nó đã được xác thực on-chain. Các thông tin nhạy cảm sẽ được lưu trữ trên thiết bị của bạn, xử lý giao dịch và gửi bằng chứng về on-chain để được xác minh, tất cả các thông tin nhạy cảm không bao giờ rời khỏi thiết bị của bạn và do vậy cực kỳ bảo mật, thứ rời khỏi thiết bị của bạn chỉ là một bằng chứng Zk-proof. 

Mina sử dụng ngôn ngữ lập trình Type Script rất phổ biến và dễ dàng cho các nhà phát triển viết code, tạo zk-apps trên blockchain của Mina. Rất nhiều blockchain khác sử dụng ngôn ngữ lập trình riêng và là rào cản rất lớn cho các nhà phát triển khi tạo ứng dụng trên blockchain đó, họ có thể mất nhiều thời gian và công sức để học ngôn ngữ mới và ngôn ngữ không phổ biến cũng có cộng đồng hạn chế, bất tiện khi có lỗi phát sinh.

Mina sử dụng bằng chứng không kiến thức natively trên blockchain và là layer 1 đầu tiên làm được việc này. Những bằng chứng này cho phép các bên khác tham gia xác thực giao dịch, smart contracts mà không tiết lộ dữ liệu liên quan đảm bảo quyền riêng tư của người dùng.

Tiết kiệm năng lượng: kích thước nhỏ gọn của Mina cho phép các nhà vận hành node (node operators) có thể chạy một node từ một máy tính bình thường, giảm đáng kể việc tiêu thụ năng lượng so với các thiết bị khai thác khác được sử dụng trong các blockchain proof of work. Khi kết hợp với cơ chế đồng thuận bằng chứng cổ phần (proof-of-stake – PoS), Mina trở thành một blockchain thân thiện với môi trường.

Zk-Apps là các smart contract sử dụng zk-proofs, chúng cho phép thực hiện tính toán ngoài chuỗi (offline), đảm bảo rằng các tính toán phức tạp không làm nặng mạng lưới blockchain một cách trực tiếp. Ngoài ra, zkApps cung cấp tính bảo mật cho các dữ liệu đầu vào riêng tư, vì các đầu vào này không bao giờ được tiết lộ trên blockchain.

Nhược điểm của dự án Mina Protocol so với các dự án khác là gì?

TPS ~1 thuộc hàng thấp nhất trong blockchain tại thời điểm viết bài (25/11/2023), tuy nhiên điều này có thể cải thiện được nhờ công nghệ Roll-ups.

Hiện tại Mina đang hoàn thiện bộ công cụ dành cho các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng trên hệ sinh thái của mình (Zk-apps), so với rất nhiều blockchain layer 1 khác vốn đã phát triển được nhiều dapps thì Mina vẫn đang cặm cụi để chuẩn bị ra mắt các dapps trên hệ sinh thái của mình. Dự kiến sẽ có một đợt hard fork lớn trên mạng lưới Mina vào khoảng tháng 12/2023 và sẽ bắt đầu triển khai Zk-apps trên mạng lưới, các bản testnet đã bước vào những giai đoạn cuối cùng trước khi sẵn sàng cho hard fork.

Tokenomics của dự án Mina Protocol và ứng dụng của đồng token Mina

Tình hình tài chính của dự án

Theo mình tìm hiểu dự án đã gọi vốn thành công tổng cộng là 117,900,000 dollars. Bao gồm các vòng như sau:

  • 05/04/2019: 15,000,000
  • 21/10/2020: 10,900,000
  • 17/03/2022: 92,000,000

Như vậy với số tiền gọi vốn thành công lên đến hơn 117 triệu dollar và kêu gọi lần gần nhất vào năm 2022 là 92 triệu thì về mặt tài chính Mina hoàn toàn có khả năng phát triển lâu dài mà không quá quan tâm đến chi phí hoạt động. Đây là một ưu điểm rất lớn, đặc biệt là trong thời kỳ downtrend (2022,2023) rất nhiều dự án đã ngừng hoạt động vì không đủ chi phí.

Phân bổ token của dự án

Mina TGE vào ngày 16/03/2021, token Mina có cung vô hạn. Ở lần phân phối token lần đầu tiên là 1,000,000,000 token và có lịch trình mở khóa dần dần và tỉ lệ phân bổ token như sau:

  • Community: 42,3%
  • Mina Foundation: 6%
  • O(1) Labs: 7,5%
  • Backers: 20,5%
  • Core contributors: 23,6%
Mina-protocol-la-gi-tat-ca-thong-tin-chi-tiet-ve-mina-protocol-4

Mina sẽ có mức lạm phát hàng năm phân bổ như sau, thời điểm tính từ lúc khởi chạy:

Mina-protocol-la-gi-tat-ca-thong-tin-chi-tiet-ve-mina-protocol-5

Thời gian trả token

Trong đó phần community chiếm 42,3% sẽ có phân bổ như sau:

Mina-protocol-la-gi-tat-ca-thong-tin-chi-tiet-ve-mina-protocol-6

Mina Foundation: Vesting từ 07/11/2021.

Tất cả các vòng còn lại tính tới thời điểm viết bài (25/11/2023) đã unlick 100%

Ứng dụng của đồng coin Mina

Hiện tại đồng Mina có thể dùng để làm token trả phí khi thực hiện giao dịch trên mạng lưới, bỏ phiếu quản trị và staking để nhận thưởng và bảo mật mạng lưới.

Ví hỗ trợ lưu trữ/giao dịch coin Mina

Auro Wallet là ví phổ biến nhất được dùng để lưu trữ và staking Mina. Khác với 1 vài blockchain khác mỗi khi deposit coin vào ví bạn sẽ phải chọn 1 node nào đó và ủy quyền cho họ sau đó chia sẻ phần thưởng thì với Mina bạn chỉ cần làm 1 lần duy nhất là chọn người ủy quyền, sau này coin khi được nạp vào ví sẽ tự động staking và không cần làm gì nữa. Khi bạn muốn unstake và mang coin đi bán chẳng hạn, việc chuyển coin ra khỏi ví xem như là đã unstake thành công, không cần phải chờ. 

Khi bạn stake Mina thì cần phải trải qua 2 epoch mới bắt đầu được nhận thưởng từ staking, mỗi epoch kéo dài đâu đó khoảng 14 ngày. Các bạn có thể vào link này để xem hiện đang ở epoch thứ bao nhiêu, APY Rate là bao nhiêu: https://minaexplorer.com/analytics/expected-returns 

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong những điều cần biết về dự án Mina Protocol, nếu bạn thấy thông tin chưa được chuẩn xác hoặc muốn bổ sung thêm thông tin về dự án vui long cho Bảo biết qua form: https://lesongminhbao.com/contact/ nhé.

Disclaimer

Bài viết không phải là lời khuyên đầu tư và chỉ nhằm mục đích tham khảo và không chịu trách nhiệm cho bất cứ tổn thất nào. Bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho quyết định đầu tư của mình.

Leave a reply:

Site Footer

You cannot copy content of this page