Shrapnel là gì? Hướng dẫn cách chơi game Shrapnel. Dẫn đầu trào lưu GameFi hiện nay đang là Big Time và cái tên tiềm năng tiếp theo có lẽ đó chính là Shrapnel. Shrapnel là nền tảng gaming và là 1 subnet chạy trên nền tảng của Avalanche (AVAX). Shrapnel là thể loại game AAA chất lượng cao thuộc thể loại góc nhìn thứ nhất (First Person Shooter) và được phát triển bởi BAFTA và đội ngũ nhân viên xuất sắc đoạt giải Emmy tại NEON. Shrapnel có rất nhiều bộ công cụ sáng tạo dành cho người chơi, kết hợp chiến đấu, tạo ra các vật phẩm sáng tạo và kết nối cộng đồng nơi mà người chơi thật sự sở hữu tài sản (NFT) và quyết định tương lai của trò chơi. Game hiện tại chỉ có chế độ PVP tức người chơi với người chứ chưa có PVE là chơi với máy.
Nghe có vẻ hơi khó hiểu một chút đúng không, tại sao người chơi lại quyết định tương lai của trò chơi? Sẽ khá nhàm chán nếu như nhà phát hành tự phát triển ra một bản đồ, luật chơi của họ, như thế sẽ giảm bớt đi sự sáng tạo rất nhiều, sẽ như thế nào nếu người chơi tự tạo ra map cho riêng mình với luật chơi của chính họ? Nếu bạn là game thủ chuyên nghiệp thì không nào không biết tới game huyền thoại của mọi tuổi thơ – Warcraft. Khi Warcraft cho phép custom map (tùy chỉnh bản đồ, thể loại chơi vv) thì một loạt các huyền thoại sau đó ra đời mà nổi tiếng nhất có lẽ là dòng game Moba: Dota (Defense of The Ancient) hay map Dday, Map Tong Hop, thủ cửa vv. Tương tự với Shrapnel, game cho phép bạn tự tạo ra bản đồ cho chính mình với luật chơi, cách chơi, phần thưởng, nhiệm vụ vv theo ý bạn muốn. Từ đó làm tiền đề có rất nhiều các vật phẩm sáng tạo sau này, do đó biết đâu được trong tương lai các nhà sáng tạo (creators) có thể nghĩ ra được những trò chơi cực kỳ hấp dẫn trong tương lai thì sao.
Shrapnel không những chỉ là 1 trò chơi mà bản thân token SHRAP của dự án cũng chính là native gas token để trả phí trên blockchain Shrapnel. Shrapnel là một subnet của Avalanche nên bản thân nó sẽ có validators, cơ chế đồng thuận, gas token riêng và token để thực hiện trả phí gas chính là Shrap chứ không phải là AVAX.
Bối cảnh trò chơi
Trong thế giới của Shrapnel một thiên thạch lớn được gọi là Sigma 38 đã va chạm với mặt trăng và làm cho các mảnh thiên thạch rơi xuống như mưa ở một khu vực rộng 500 km vuông xung quanh Trái Đất. Khu vực này nổi tiếng với tới tên gọi là Vùng Hy Sinh (The Zone), bị bỏ hoang và tạo thành một vùng không thể sống được và tạo thành một bức tường ngăn cách khu vực này với phần còn lại của thế giới.
Ở khu vực này có một loại vật liệu bí ẩn gọi là Hợp Chất Sigma, nó được sử dụng trong lĩnh vực vật lý cổ điển. Các quốc gia và tập đoàn bắt đầu tổ chức các Lực Lượng Trích Xuất Lính Đánh Thuê hay còn được gọi là MEFs (Mercenary Extraction Forces), lực lượng này chuyên mạo hiểm đi vào The Zone để khai thác Sigma. Người chơi sẽ nhập vai các MEF này tham gia vào các cuộc chiến đẫm máu trong game để kiểm soát the Zone và những bí mật mà nó sở hữu.
Cách chơi Shrapnel
Trong game người chơi sẽ có nhiệm vụ đi tìm và trích xuất những tài nguyên quý giá bằng cách tiến vào The Zone dưới hình dạng của một trong 3 nhân vật MEF. Rất nhiều người chơi khác cũng tham gia vào khu vực này do đó đi tìm, thu thập và trích xuất tài nguyên trong The Zone là rất quan trọng. Nhưng việc giữ được mạng để ra khỏi đó cùng với những phần thưởng của mình còn quan trọng hơn.
Người chơi có thể mặc đồ phù hợp với nhân vật của mình trước khi tiến vào The Zone, đồ trang bị cho nhân vật dưới dạng NFT sẽ bị rớt nếu bạn chết, điều này khiến người chơi phải cân nhắc rất kỹ về cơ hội thành công của mình khi chơi game. Ngoài việc thu thập Sigma, bạn còn có thể đi lấy đồ của những người đã chết, những người này phải chết do bị người chơi giết chứ tự té lầu chết thì cũng không lấy được đồ đâu. Sau khi thu thập xong đồ, Sigma và các vật phẩm khác người chơi sẽ phải tới được một trong những địa điểm dùng để trích xuất (Extraction Location) sống ở đó đủ lâu khoảng 10s và sau đó có thể sở hữu được các vật phẩm mà mình thu thập được trong game. Các vật phẩm NFT mà người chơi loot (lấy) được từ người chơi khác sẽ được hiển thị trong Inventory và có thể sử dụng cho những màn khác trong tương lai.
Extraction Pack là gì?
Đây là gói nhân vật để giúp bạn chơi được Early Access Phase 1 của game, tức là được chơi sớm hơn những người khác tuy nhiên bạn sẽ phải tốn tiền mua các packs này với giá:
- Light: 20$
- Medium: 50$
- Heavy: 100$
Nếu bạn không muốn tốn tiền có thể tham gia vào Discord, X, Telegram của các cộng đồng để xin code, tham gia các sự kiện give away và nhận code để chơi miễn phí. Đặc quyền của 3 packs sẽ có sự khác nhau. Các bạn chỉ cần 1 trong 3 gói là có thể vào chơi được không nhất thiết phải mua cả 3
- Light:
- Được chơi game sớm
- Được chọn 1 nhân vật MEF (có tổng cộng 3 nhân vật trong game)
- Được 1 gói trang bị
- Được 6 tuần chơi game rớt vật phẩm
- Được 1 gói trang bị sử dụng trong game (lựu đạn, bộ kit y tế vv).
- Medium:
- Được chơi game sớm
- Được chọn 1 trong 2 nhân vật MEF (có tổng cộng 3 nhân vật trong game)
- Được 1 gói trang bị
- Được 18 tuần chơi game rớt vật phẩm
- Được 3 gói trang bị sử dụng trong game (lựu đạn, bộ kit y tế vv).
- Được 1 bộ skin độc quyền
- Heavy:
- Được chơi game sớm
- Được chọn 1 trong 3 nhân vật MEF (có tổng cộng 3 nhân vật trong game)
- Được 1 gói trang bị
- Được 36 tuần chơi game rớt vật phẩm
- Được 3 gói trang bị sử dụng trong game (lựu đạn, bộ kit y tế vv).
- Được 3 bộ skin độc quyền
- Được 1 bộ phần quà tặng Extraction Pack (chưa rõ là gì)
NFT Operators Collection là gì?
Đây là bộ NFT dành cho những fan trung thành và sớm nhất của game, bản thân các NFT này cũng có những chỉ số (Stats) khác nhau. Sở hữu những NFT này cũng mang lại cho chủ sở hữu nhiều quyền lợi ,tất nhiên là không có vụ tăng damage hay chạy nhanh hơn gì đâu nhưng có thể nhận được phần thưởng, đồ in-game, skins và có thể vào được những sự kiện, nhiệm vụ đặc biệt để nhận thưởng token mà ai có NFT này mới được vào. Quyền lợi của nó bao gồm:
- Được quyền truy cập sớm vào game để chơi thử, test game và feedback lại cũng như bỏ phiếu.
- Người giữ những NFT này sẽ có những phần thưởng token độc quyền cho những nhiệm vụ, phó bản, sự kiện sau này.
- Phần thưởng định kỳ sẽ diễn ra trong tương lai như skins, các gói decal.
- Sẽ có nhiều hơn sách truyện tranh kỹ thuật số (NFTs)
- Full set holder – tác dụng và set này gồm cái gì sẽ được thông báo sau, hiện nay chưa có thông tin.
SCU Collections/Sigma Collectors là gì?
Đây là bộ NFT dành cho những người chơi sớm hơn cả Early Access Phase 1 và nó cũng có những quyền lợi riêng, tuy nhiên sức mạnh hay việc chế đồ từ các nhân vật được chơi sớm này cũng không khác gì mình ở Phase 1 đâu, nó có các quyền lợi như sau:
- Được quyền truy cập sớm vào các công cụ sáng tạo: cũng là 1 lợi thế bạn sẽ biết cách tạo đồ sớm hơn người khác, khi game ra EA Phase 1 bạn sẽ có lợi thế hơn người khác nhiều.
- Gói Decal độc quyền trong Insignia của Shrapnel. Insignia nó là một biểu tượng của riêng bạn vậy, giống như bang hội có cờ bang, quốc gia có quốc kỳ thì bạn có biểu tượng riêng của mình ấy. Bạn có thể xem thử Insignia ở đây (https://twitter.com/alex3_3dArt/status/1735596997305073704)
- Truy cập vào nội dung (content) của đối tác.
- Có skin SCU trong game: là những tác phẩm nghệ thuật độc quyền được phối hợp giữa nhiều nghệ sĩ khác nhau.
Callsigns là gì?
Với callsigns bạn có thể tạo ra cái tên độc quyền hiển thị trong game ví dụ như Độc Cô Cầu Bại chẳng hạn, bạn có thể tạo các callsigns không giới hạn bằng cách sử dụng token Shrap.
Có bao nhiêu nhân vật trong trò chơi
Có tổng cộng 3 nhân vật trong trò chơi mỗi nhân vật có một chức năng, bảng skill khác nhau bao gồm: Assault, Survivalist, Infosec. Khi người chơi chọn nhân vật thì sẽ được mở khóa kỹ năng, trang bị tương ứng với nhân vật đó. Điểm yếu của nhân vật này sẽ được bổ trợ bằng sức mạnh của nhân vật khác, điều này khuyến khích chơi teamwork. Các khả năng của nhân vật:
- Assault: chức năng chính xác của 3 nhân vật tại thời điểm viết bài chưa được công bố, chúng ta vẫn chưa biết mỗi nhân vật có ưu, nhược điểm gì, tuy nhiên nhìn cái tên Survivalist có thể gợi ý tới chữ Survival (sinh tồn) nên mình đoán nhân vật này có thể có nhiều skill heal máu hoặc hỗ trợ cho đồng đội.
- Survivalist:
- Infosec:
Vì game này chết là rớt NFT cho nên người chơi mới hoặc muốn trải nghiệm thử mà không muốn bị nguy hiểm, có thể chọn nhân vật tạm thời để chơi thử với tiêu chí rủi ro thấp thì phần thưởng được nhận cũng thấp đi.
Vật phẩm sáng tạo là gì?
Phong cách chơi game chiến lược của Shrapnel đó là lấy việc người chơi tự tạo ra bộ trang bị của mình từ đồ mà họ đã lấy được trong các màn game trước đó và các thiết bị mà họ tự tạo ra làm kim chỉ nam. Trang thiết bị đa dạng từ vũ khí công nghệ thấp (low-tech) nhưng lại đáng tin cậy (có thể là bắn yếu nhưng đạn nhiều, nạp đạn nhanh, ít giật vv) cho tới những vũ khí siêu xịn, sát thương cao, high-tech nhưng mà dễ bị xịt (có thể là súng bị giật nhiều hoặc là animation chậm, hoặc là chỉ xài được trong một vài trường hợp nào đó). Khi người dùng biết rõ điểm mạnh-yếu của từng loại trang bị, người chơi có thể tự phối đồ sao đó cho phát huy hết cỡ sức mạnh của nhân vật.
- Weapon: Shrapnel có những tính năng riêng cho từng loại vũ khí mà nó sẽ có tác dụng khác nhau trong lúc chơi game. Người chơi có thể nhận được đủ loại các phụ kiện đính kèm (có thể là ngọc hay cái gì đó tăng sát thương/chính xác hoặc vv đây chỉ là phỏng đoán của mình thôi) để tùy chỉnh hóa tạo ra 1 vũ khí theo ý mình thích, những vũ khí này có thể được bán trên chợ của Shrapnel hoặc ở thị trường thứ cấp.
- Armor: Áo giáp sẽ cung cấp thêm phòng thủ và các tiện ích bổ sung khác. Người dùng có thể phối những món nhỏ với nhau từ những bộ giáp khác thành 1 bộ mới.
- Consumables: đây là những vật phẩm chỉ sử dụng một lần như lựu đạn, dụng cụ y tế và không phải là NFT nên không thể giao dịch với người chơi khác. Khi vào game người dùng cần phải cân bằng giữa việc sử dụng nó hoặc chừa chỗ trống để đựng đồ khác.
- Technology: Công nghệ – chẳng hạn như kính nhìn ban đêm và thiết bị thu thập thông tin – hỗ trợ người chơi nhưng không bị tiêu hao khi sử dụng. Công nghệ mở rộng phạm vi chơi bằng cách cung cấp những cách mới để tương tác với bản đồ và lên kế hoạch chiến đấu.
- Maps, Lands: đây là những vật phẩm mà người chơi tự tạo ra và có thể bán nó trên chợ của Shrapnel, như mình đã nói ở trên đây là game có thể tự tạo map với luật chơi, cách chơi theo ý thích và người chơi khi tạo được 1 map xịn rất nhiều người chơi nếu không thích có thể bán nó lại trên chợ và thu tiền về. Đối với các tổ chức lớn họ hoàn toàn có thể tạo ra 1 giải đấu (Map), tự tạo ra luật chơi, cách chơi và tìm cách quảng bá cái giải đấu này. Giải đấu mà có tỉ lệ đặt cược (stake) càng cao thì càng có lợi cho cả 2 bên là người chơi và người tạo ra giải đấu có cơ hội nhận được phần thưởng (reward). Tất cả người chơi có thể tham gia vào các nhiệm vụ hướng đến mục tiêu liên quan đến chơi theo kiểu trích xuất (kiếm Sigma chẳng hạn), tạo nội dung và tham gia thị trường, với cơ hội nhận phần thưởng SHRAP Token.
- Vanity Item: người chơi có thể tự tạo ra các vật phẩm Vanity của riêng mình, đặt giá và số lượng. Sau đó những Vanity này sẽ được thêm và quảng bá trong chợ của Shrapnel. Những vật phẩm Vanity này sẽ có những biểu cảm độc đáo trong trò chơi, theo mình nghĩ cái này giống mấy cái Taunt của Dota2, tức tạo ra mấy cái dáng chọc quê đối thủ hoặc làm mấy động tác hài hước, hoặc là kiểu skin mặc cho nó đẹp, khác biệt với người chơi khác. Thành viên sử dụng token Shrap để quảng bá cho Vanity NFT cũng sẽ được nhận thưởng dựa trên giá bán và volume giao dịch.
Nói tóm lại, ngoại trừ Consumables là không bán được trên chợ, còn lại bạn tạo ra cái gì (vũ khí, giáp, maps vv) cũng đều bán được.
Công cụ sáng tạo
Là công cụ hỗ trợ những nhà sáng tạo mà ở đó cộng đồng được trao quyền xây dựng thư viện NFT để sử dụng trong trò chơi, chia sẻ với cộng đồng và mua bán với các người chơi khác. Từ bộ công cụ này các bạn có thể tạo ra Maps, trang bị, Insignia (cái này kiểu là biểu tượng/ dấu hiệu riêng của bạn trong game) và nhiều vật phẩm sáng tạo khác.
MEF Headquarters là gì?
Theo mình hiểu nó có vẻ như là một bang hội với logo nhận diện riêng, hướng dẫn hỗ trợ nhau cách chơi game, lấy đồ vv tuy nhiên tại thời điểm viết bài mình có hỏi trong discord của Shrapnel thì chưa có câu trả lời về vai trò của MEF Headquarters trong game cũng như chưa biết đây có phải là kiểu 1 bang hội hay không.
Hệ thống danh tiếng là gì?
Shrapnel có một hệ thống danh tiếng được kết hợp từ 3 khía cạnh: chơi, sáng tạo và cộng đồng. Người chơi có điểm cao trong các khía cạnh này sẽ kiếm được những phần thưởng tăng cường hoặc các khả năng modding mới. Trong đó điểm của mỗi khía cạnh sẽ dựa vào:
- Creator Reputation: mức độ danh tiếng của người sáng tạo – điểm này sẽ được chấm dựa trên xếp hạng của bạn trên chợ bao gồm: doanh số bán vật phẩm mà bạn bán trên chợ (quality) và hoạt động đóng góp của bạn (quantity), tức là có bán được nhiều trên chợ không. Vừa bán được nhiều, vừa có doanh số cao thì điểm này sẽ cao (vừa chất lượng vừa số lượng).
- Player Reputation: điểm danh tiếng của người chơi, điểm này được tính dựa theo kỹ năng chơi game và tinh thần thể thao tốt. Tinh thần thể thao tốt theo mình nghĩ chắc là không chơi hack hay gian lận gì đó.
- Community reputation: mức độ danh tiếng của bạn trong cộng đồng. Điểm này được chấm dựa theo cách mà bạn đối xử với các người chơi khác trong cộng đồng Shrapnel, các kênh truyền thông của Shrapnel và những đóng góp cho cộng đồng. Các bạn nào mà mỏ hỗn, tâm con sáng nhưng miệng con hỗn thì phải hết sức cẩn thận không sẽ bị trừ điểm đấy.
Tổng điểm danh tiếng càng cao sẽ giúp cho thông tin của người chơi và nội dung sáng tạo được tạo ra bởi người chơi sẽ dễ dàng được tìm thấy trên Map hoặc trên chợ của Shrapnel, điều này có thể có nhiều cơ hội nhận thưởng hơn. Hệ thống danh tiếng cũng được thiết kế để thưởng cho những hành động tích cực của người chơi cũng như giám sát các hoạt động tiêu cực. Những hành động xấu, tiêu cực lặp đi lặp lại có thể dẫn đến việc bị cấm chơi Shrapnel.
Có thể thấy nếu bạn có được điểm danh tiếng tốt thì có rất nhiều lợi thế từ dễ dàng được tìm thấy trên chợ của Shrapnel khi bán vật phẩm cho tới được thưởng thêm và nhiều lợi ích khác, ngược lại điểm danh tiếng thấp sẽ giảm nhiều quyền lợi của bạn.
Shrap Token dùng để làm gì?
Token Shrap có các tác dụng hiện tại như sau:
- Government: quản trị DAO, sub-DAO, bỏ phiếu cho các nội dung sáng tạo bởi người chơi.
- Running Validator: chạy node vì Shrapnel là layer 1 và là subnet của Avax nên nó sẽ có validators, cơ chế đồng thuận, gas token riêng biệt. Riêng người dùng cuối sẽ không bị tính phí mà phí gas sẽ được trợ cấp từ giao thức Shrapnel.
- Minting & Medium of Exchange: token sẽ được coi là một phương thức thanh toán trong game cũng như trên toàn bộ hệ sinh thái Shrapnel. Shrap cũng được dùng để trả phí minting khi người dùng tạo các nội dung sáng tạo/ vật phẩm sáng tạo như maps, skins, vanity vv.
- Rewards: làm phần thưởng trả cho người chơi game, tham gia vào việc khám phá các nội dung khác. Nội dung này chưa rõ là gì.
Hệ thống kinh tế trong game Shrapnel
Hệ thống kinh tế
Shrapnel có 4 trụ cột kinh tế mà từ đó người chơi có thể kiếm tiền được trong game bao gồm:
- Players: người chơi
- Creators: nhà sáng tạo
- Curators: nhà quảng bá
- Node Owners/ Land owners: chủ sở hữu node
Players: người chơi có thể mua trang bị, trích xuất nó khi chơi game và có thể bán nó trên chợ của Shrapnel để nhận được Shrap token. Trang bị có thể có nhiều option trong đó, bạn có thể trích xuất các option này ra rồi kết hợp nó với các option khác và tạo ra cho mình 1 bộ đồ với option tùy chỉnh theo ý thích.
Creators: nhà sáng tạo – nhà sáng tạo có thể tạo ra bất cứ vật phẩm sáng tạo nào từ Vanity items, vũ khí được tùy chỉnh, bản đồ cho người chơi, vật thể trong bản đồ vv và bán các vật phẩm này trên chợ để kiếm tiền. Nếu bạn không chơi game giỏi mà là một nhà sáng tạo game giỏi bạn có thể kiếm rất nhiều tiền nếu users khác thích và chơi map của bạn. Như mình có nói ở đầu bài viết nếu bạn tạo được 1 cái map mà nó đỉnh cao như Dota hoặc DDay vv thì bạn sẽ có rất nhiều tiền. Hoặc nếu bạn chơi game giỏi và hiểu được ưu nhược của từng loại vũ khí, nhân vật bạn có thể chế tạo ra vũ khí được tùy chỉnh để phù hợp nhất với nhân vật đó chẳng hạn và bán nó trên chợ có thể thu về rất nhiều tiền.
Curators: bạn có thể hiểu những Curators này như kiểu là người môi giới vậy, khi những Creators tạo ra hàng ngàn maps khác nhau, cách chơi khác nhau vv. Bạn có thể chọn ra các map mà bạn CHO RẰNG nó hấp dẫn người khác, bạn quảng bá các map này và nếu người dùng thích thú và chơi nó bạn sẽ được chia 1 phần tiền thưởng. Những Curators cũng đóng vai trò rất quan trọng trong game khi mà nó liên tục tìm kiếm, khám phá ra nhiều nội dung sáng tạo khác được tạo ra bởi Creators và tìm cách mang nó đến cộng đồng. Nếu thiếu đi vai trò này rất nhiều user có thể không biết nên chơi map nào hay vì có quá nhiều map được tạo ra.
Node Owners/ Land owners: hai từ này nếu bạn bắt gặp trong khi tìm hiểu về game thì nó là 1. Theo như mình hiểu thì Node Owners sẽ đóng vai trò như là nơi cung cấp đất ảo hoặc là 1 nơi để các Creators đặt map của mình lên đó. Giống kiểu như bạn có ý tưởng làm 1 cái gì đó nhưng không có chỗ, phải đi thuê chỗ để làm, thì Node Owners là người cho bạn thuê chỗ ấy. Node Owners sẽ được chia một phần thưởng trong những cái vật phẩm sáng tạo này. Nghĩa là ví dụ bạn cho thuê đất, Creators tới đó tạo map và được nhiều người chơi, giả sử doanh số là 100 Shrap đi, bạn sẽ được chia 1 phần trong số này, tuy nhiên chính xác bao nhiêu thì dự án chưa công bố.
Như vậy có thể thấy hệ thống kinh tế trong game là cực kỳ đa dạng người chơi có thể kiếm được tiền bằng rất nhiều cách như là players, creators, curators, node owners ngoài ra còn kiếm được thêm tiền nếu bạn vào từ sớm và mua Extraction Pack và NFT Operators Collection như ở trên sẽ nhận được thêm nhiều quyền lợi, thêm vào đó ngoài việc kiếm tiền bằng những cách trên thì điểm danh tiếng cũng giúp bạn có thêm nhiều quyền lợi. Nếu bạn là một người sáng tạo, chịu khó chơi game, cư xử tốt với cộng đồng thì game này có cực kỳ nhiều cách khác nhau để các bạn kiếm tiền.
Phần thưởng Map
Shrapnel khuyến khích người chơi tìm kiếm, quảng bá những bản đồ (maps), vanity items được tạo từ những creators để game luôn phát triển và sáng tạo. Bất cứ ai cũng có thể quảng bá vanity items, maps để có thể được chia 1 phần tiền thưởng dựa trên hiệu suất (performance) của NFT mà họ quảng bá và nó sẽ được chia thành 2 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 (Curation/Promotion): được quảng bá và khám phá. Ở giai đoạn này các nội dung sáng tạo vẫn đang được quảng bá và trải nghiệm bởi người dùng, nhưng nội dung sáng tạo (content) nào hay nhất sẽ được đề xuất lên giai đoạn 2 là Competition Tier.
- Giai đoạn 2 (Competition Tier): các nội dung sáng tạo (content) sẽ cạnh tranh với các content khác dựa trên hiệu suất. Những người đóng góp cho những content này bằng việc quảng bá cho nó sẽ nhận được phần thưởng dựa trên hiệu suất của content cũng như số lượng và thời gian mà họ đóng góp. Nói tóm lại những ai đã quảng bá cho cái content được đưa vào giai đoạn 2 này sẽ nhận được 1 phần tiền thưởng tùy vào hiệu suất của content thời gian, công sức họ bỏ ra cho content này.
- Ở từng giai đoạn sẽ có mức thưởng khác nhau mà mình sẽ trình bày ở dưới
Tùy vào content đang nằm ở khu vực nào mà sẽ có mức thưởng khác nhau, mức thưởng lớn nhất từ trên xuống dưới bao gồm:
- Khu Podium: thưởng cao nhất
- Khu VIP: thưởng cao nhì
- Khu Arena: thưởng cao thứ 3
- Khu No-man’s land: thưởng thấp nhất
Theo như hình thì mình dự đoán giai đoạn 1 sẽ nằm ở khu vực No-man’s Land và Arena, giai đoạn 2 sẽ nằm ở khu vực Arena và Podium.
Theo như hình ở dưới thì mình tùy khu vực sẽ được thưởng như sau:
- Podium: 4000
- Khu VIP: 3000
- Khu Arena: từ 1000 – 2000
- Khu No-man’s Land: 500
Lưu ý: khu vực Podium là khu vực chủ trì cho các giải đấu lớn và có tính đào thải rất cao. Các maps có hiệu suất cao sẽ di chuyển về phía trung tâm và các bản đồ hiệu suất thấp hơn sẽ bị đẩy ra ngoài. Sẽ có 6 maps có hiệu suất tốt nhất ở khu Arena sẽ được đề xuất vào khu vực Podium và tương ứng sẽ có 6 maps có hiệu suất tệ nhất ở Podium sẽ bị đẩy về khu Arena. Và tất cả các bên đã tham gia tạo, quảng bá ra content như node owners, curators, map owners sẽ được chia phần thưởng dựa trên hiệu suất của content đó.
Tokenomics của dự án
Tỉ Lệ Phân Bổ Token
- Team and Advisors: 27%
- Seed Token Holders: 20%
- Strategic Token Holders: 7%
- Public Distribution: 1.5%
- Market Making and Liquidity: 3%
- Ecosystem Fund: 3%
- Community Reward: 33%
- Cung tối đa của Shrap là 3.000.000.000 token.
Lịch Phân Bổ Token
Cả 3 hạng mục Team and Advisors, Seed Token Holders, Strategic Token Holders đều có thời gian Cliff là 12 tháng bắt đầu từ TGE, sau đó sẽ nhận token từ từ trong các tháng sau. Team & Advisors có thời gian nhận đủ token là 60 tháng, Seed là 24 tháng, Strategic là 36 tháng. Quỹ cho Ecosystem sẽ được dùng trong 42 tháng, đối với phân bổ lớn nhất là Community Reward là 33% thì chưa có kế hoạch phân phối.
Tài Chính Của Dự Án Shrapnel
Dự án Shrapnel là dự án game AAA do đó cũng kêu gọi được một số lượng tiền lớn lên tới 20,6 triệu dollar. Các backers của dự án: Three Arrows Capital, Dragonfly, Polychain, Spartan Group, DeFiance Capital. Giá mua của quỹ cả seed và strategic mình sẽ tính dựa trên tổng số tiền huy động được chia cho tổng số token do đó số tiền trung bình mà quỹ mua được là khoảng $0,025/shrap.
Ưu điểm của Shrapnel
Người dùng không cần phải biết gì về blockchain cũng chơi được, hoàn toàn có thể tạo tài khoản game bằng cách sign in with google và chơi luôn. Chỉ khi nào người dùng cần bán NFT mới phải quan tâm tới blockchain mà thôi.
Free to play – hiện tại game có tính phí cho những người chơi sớm tuy nhiên sau này khi đạt đủ số người chơi và game hoàn thiện sẽ mở free cho tất cả mọi người cùng chơi.
Không có click to earn hoặc ít nhất là giảm thiểu đi chuyện đó, khi chơi game này bạn chết nghĩa là bạn rớt NFT ra và bạn thật sự cần kỹ năng chơi game mới earn được nhiều, chứ không thì cũng không dễ đâu.
Ví hỗ trợ lưu giữ/ giao dịch Shrapnel
Token Shrap đang được bán trên các sàn CEX như Kucoin, Bybit và có thể lưu trữ được ở tất cả ví nào tương thích EVM.
Disclaimer
Bài viết không phải là lời khuyên đầu tư và chỉ nhằm mục đích tham khảo và không chịu trách nhiệm cho bất cứ tổn thất nào. Bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho quyết định đầu tư của mình.