TỔNG QUAN VỀ CÔNG NGHỆ ZK,ZK-SNARK, ZK-STARK,ZK-PROOF LÀ GÌ

TỔNG QUAN VỀ CÔNG NGHỆ ZK,ZK-SNARK, ZK-STARK,ZK-PROOF LÀ GÌ

Zk-proofs là gì?

Zk-proof là Zero Knowledge Proof nghĩa là bằng chứng không cần kiến thức, đây là một phương pháp nhằm xác minh một tuyên bố hoặc một điều gì đó là đúng mà không cần phải tiết lộ điều gì. Đây là một hệ thống bằng chứng bao gồm người chứng minh (prover), người xác minh (verifier) và một “challenge” mà nó cho phép user có khả năng chia sẻ công khai bằng chứng hoặc về kiến thức hoặc quyền sở hữu mà không tiết lộ chi tiết về nó là gì. Phần challenge mình để tiếng Anh vì không tìm được từ tiếng Việt nào để diễn tả nghĩa của từ này, ở phía dưới nơi ví dụ về cách mà Zk-proof hoạt động bạn sẽ hiểu về tác dụng của cái “Challenge” này.

Bạn có thể hiểu người chứng minh (prover) sẽ chứng minh một điều gì đó (giả sử là 1 tuyên bố về quyền sở hữu chẳng hạn) trong khi người xác minh (verifier) sẽ chịu trách nhiệm xác minh điều đó (quyền sở hữu có đúng hay không) Zero Knowledge lần đầu tiên được công bố là vào năm 1985 trong một tài liệu học thuật và liên tục được cải thiện qua năm tháng và hiện nay chúng đang được sử dụng trong một số ứng dụng ngoài đời của chúng ta.

Nhưng nghe có vẻ thật khó hiểu làm sao có thể chứng minh 1 điều gì đó là đúng mà lại không cần biết thông tin gì về nó? Vậy hãy xem thử ví dụ dưới đây nhé.

Bạn gặp mặt một ai đó mà bạn không quen biết, cô ấy nói là cô ấy cũng là hội viên của cái câu lạc bộ mà bạn cũng là thành viên. Làm sao bạn có thể tin được là cô ta nói thật hay nói láo? May mắn là câu lạc bộ của bạn có một cái két sắt an toàn đi, chỉ có thành viên trong câu lạc bộ mới có được password để mở khóa và mỗi thành viên có password khác nhau. Bạn sẽ bắt cô gái chứng minh tư cách thành viên câu lạc bộ của mình bằng cách mở khóa két sắt. 

tong-quan-ve-cong-nghe-zk-zk-snark-zk-stark-zk-proof-la-gi-2

Giờ bạn viết 1 câu vào 1 tờ giấy sau đó cất nó vào trong cái két sắt này.

tong-quan-ve-cong-nghe-zk-zk-snark-zk-stark-zk-proof-la-gi-3

Cô gái ở đây đóng vai trò là người chứng minh (prover) và vì cô ấy thực sự biết password là gì nên đã mở được cái két sắt này ra.

tong-quan-ve-cong-nghe-zk-zk-snark-zk-stark-zk-proof-la-gi-4

Cô gái đưa mảnh giấy có chứa 1 câu mà bạn đã viết. Lúc này bạn đã biết được là cô gái này đúng là thành viên của câu lạc bộ, biết được password để mở khóa nhưng bản thân bạn cũng không biết được cái password đó là gì. Việc mở được chiếc két sắt đã khóa cho phép cô ấy chứng minh được mình là thành viên của câu lạc bộ mà không tiết lộ điều gì thêm, đây chính là cách mà bạn có thể chứng minh 1 thứ là đúng mà không tiết lộ bất cứ điều gì về việc đó. 

tong-quan-ve-cong-nghe-zk-zk-snark-zk-stark-zk-proof-la-gi-5

Cách hoạt động của Zk-proof

Interactive zero knowledge proof – Zk-proof có tương tác

Một bằng chứng kiến thức sẽ cho phép bạn chứng minh một tuyên bố/thứ gì đó là đúng mà không cần chia sẻ thêm về nội dung liên quan tới tuyên bố/thứ đó hoặc là tiết lộ về cách làm sao bạn biết đó là đúng. Để làm cho điều này trở nên khả thi thì những giao thức không cần kiến thức (zero knowledge protocol) sẽ phụ thuộc vào thuật toán mà thuật toán này sẽ cần một số dữ liệu đầu vào và sẽ trả ra kết quả “true” hoặc “false” ở đầu ra.

Một giao thức không kiến thức cần phải thỏa tất cả các điều kiện dưới đây:

  1. Completeness: tính đầy đủ-trọn vẹn, nếu đầu vào hợp lệ, giao thức không có kiến thức luôn trả về ‘true’. Do đó, nếu tuyên bố cơ bản là đúng và người chứng minh và người kiểm chứng hành động trung thực thì bằng chứng có thể được chấp nhận.
  2. Soundless: tính đúng đắn – nếu đầu vào không hợp lệ, về mặt lý thuyết không thể đánh lừa giao thức không có kiến thức để trả về ‘true’. Do đó, người chứng minh không trung thực không thể lừa người xác minh trung thực tin rằng một tuyên bố không hợp lệ là hợp lệ (ngoại trừ với một xác suất rất nhỏ). Nói cách khác nếu đầu vào không hợp lệ thì kết quả gần như là lúc nào cũng “false”. 
  3. Zero-knowledge: không cần kiến thức – Người xác minh không biết gì về một tuyên bố ngoài tính hợp lệ hoặc sai lệch của nó (họ “không có kiến thức” về tuyên bố đó). Tức là chỉ biết đúng-sai chứ không biết thêm gì. Yêu cầu này cũng ngăn cản người xác minh lấy được thông tin đầu vào ban đầu (nội dung liên quan tới tuyên bố) từ bằng chứng. Tức người xác minh dù cầm bằng chứng vẫn không lấy được thông tin đầu vào.

Với một mô hình cơ bản, một bằng chứng không kiến thức sẽ được làm tử 3 thành phần: witness (chứng kiến), challenge (thử thách), and response (phản hồi)

  1. Witness: Với bằng chứng không có kiến thức, người chứng minh muốn chứng minh rằng mình biết về 1 thông tin gì đó được giấu đi. Cái thông tin được giấu đi đó được gọi là “Witness” cho cái bằng chứng (proof) và người chứng minh (prover) có kiến thức về cái Witness đó sẽ thiết lập ra 1 bộ câu hỏi mà chỉ có người thật sự biết thông tin bị ẩn đi mới có thể trả lời đúng được. Do đó, người chứng minh bắt đầu quá trình chứng minh bằng cách trả lời ngẫu nhiên 1 câu hỏi, tính toán câu trả lời và gửi nó cho người xác minh (verifier). 
    1. Theo ví dụ về két sắt ở trên thì cô gái cần chứng minh mình là thành viên câu lạc bộ, thì cần phải có nghĩ ra cách nào đó để chứng minh (1 bộ câu hỏi), mà ở ví dụ trên cô gái chứng minh bằng cách mở két sắt (chọn 1 câu ngẫu nhiên bởi verifier chứ không phải prover chọn nhé), password của câu lạc bộ là thông tin bị ẩn đi (chỉ có người thật sự biết thông tin bị ẩn đi thì mới trả lời được), Witness chính là password, cô gái thực hiện nó bằng cách mở két sắt, và đưa ra bằng chứng (proof) chứng minh mình là thành viên của câu lạc bộ do đó lấy tin nhắn mà verifier đã để trong đó. Có rất nhiều cách để chứng minh mình là người của câu lạc bộ, cái ví dụ về két sắt ở trên chỉ là 1 trong số rất nhiều câu hỏi nằm trong bộ câu hỏi. 
    2. Vậy tóm gọn lại cho dễ hiểu hơn thì:
      1. Trò mở khóa két sắt là 1 trong số rất nhiều câu hỏi nằm trong bộ câu hỏi và được verifier chọn ngẫu nhiên trong bộ câu hỏi này.
      2. Witness là password đối với cái câu hỏi két sắt này và chỉ có người thật sự có kiến thức về thông tin bị ẩn đi (Witness) mới có thể trả lời được. 
  2. Challenge: người xác minh (verifier) sẽ chọn ngẫu nhiên 1 câu hỏi nào đó trong bộ câu hỏi và bắt người chứng minh (prover) trả lời nó.
  3. Response: người chứng minh (prover) sẽ chấp nhận câu hỏi này, tính toán câu trả lời và gửi nó cho người xác minh (verifier). Từ phản hồi (response) của người chứng minh sẽ cho phép người xác minh kiểm tra xem người chứng minh có thật sự tiếp cận/truy cập được với Witness không. Để đảm bảo được là người chứng minh không vì may mắn mà đoán mò được kết quả và trả lời đúng thì người xác minh sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi (1 bộ câu hỏi). Bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần việc này, khả năng mà người chứng minh (prover) may mắn trả lời đúng hết tất cả câu hỏi được hỏi là rất thấp. Và như vậy gần như phải có kiến thức về Witness thì mới trả lời đúng hết tất cả được. 

Trên đây là cấu trúc mà một zero knowledge proof được tạo ra. Tuy nhiên ở thời kỳ đầu phát triển, Zk-proof sử dụng cách chứng minh bằng cách tương tác với nhau, trong đó việc xác minh tính hợp lệ của một tuyên bố yêu cầu giao tiếp qua lại giữa người chứng minh và người xác minh. Bây giờ chúng ta đã có loại Zk-proof không tương tác mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở dưới.

Non-interactive zero knowledge proof – Zk-proof không tương tác

Mặc dù phát minh ra bằng chứng không có kiến thức là một sự đột phá, tuy nhiên việc chứng minh phải tương tác với nhau vẫn có những hạn chế của nó vì nó yêu cầu cả 2 phải sẵn sàng và tương tác với nhau nhiều lần. Ngay cả khi người xác minh bị thuyết phục về sự trung thực của người chứng minh thì bằng chứng này cũng không có sẵn để có thể xác minh một cách độc lập.

Để giải quyết các vấn đề này Manuel Blum, Paul Feldman và Silvio Micali đã đề xuất các bằng chứng không có kiến thức không cần tương tác. Trong đó người chứng minh và người xác minh sẽ có 1 cái khóa chung (shared key). Điều này cho phép người chứng mình có thể chứng minh được kiến thức của họ về một số thông tin (ví dụ là Witness) mà không cần phải cung cấp thông tin đó. 

Bằng chứng không kiến thức – không tương tác chỉ yêu cầu 1 vòng giao tiếp giữa những người tham gia (người xác minh và người chứng minh). Người chứng minh sẽ chuyển thông tin bí mật (Witness) tới một cái thuật toán đặc biệt và tính toán tạo ra zk-proof. Bằng chứng này được gửi tới người xác minh và họ sẽ kiểm tra xem người chứng minh có thật sự biết về thông tin bí mật này không bằng cách sử dụng một thuật toán khác. 

Chứng minh không tương tác làm giảm đi sự giao tiếp giữa người xác minh và người chứng minh từ đó tăng tính hiệu quả của Zk-proof. Hơn nữa một khi bằng chứng được tạo ra, bất cứ ai có quyền truy cập vào khóa chung (shared key) và thuật toán xác minh đều có thể xác minh bằng chứng này.

Nói tóm lại đúng như tên gọi Zk-proof có tương tác thì phải tương tác qua về nhiều lần để xác minh, còn Zk-proof không tương tác thì không cần phải tương tác qua lại nhiều lần. Trường hợp cô gái ở trên là Zk-proofs có tương tác và chỉ có 2 người biết được là cô gái thật sự là thành viên của câu lạc bộ, các người khác không biết vì bạn bỏ proofs (chính là tờ giấy chứa tin nhắn) thì cũng chỉ 1 mình bạn xác minh được, chứ người khác thể xác minh được tính đúng đắn của tờ giấy đó, ai viết thì người đó mới biết là tờ giấy đó đúng hay sai đúng không. Nếu sử dụng Zk-proofs không tương tác thì bất cứ ai cũng có thể xác minh được tư cách thành viên của cô gái thông qua proof chứ không phải mỗi 1 mình bạn biết, tức là bạn phải tìm cách tạo ra cái proof theo 1 cách nào đó mà ai cũng có thể xác minh được proof mà không cần phải tương tác. 

Lợi ích của Zk-proofs đối với Blockchain:

Có 2 lợi ích chính của công nghệ Zk đối với blockchain đó chính là:

  1. Khả năng mở rộng: đối với một khối, cần rất nhiều thời gian để xác minh khối đó, chỉ 1 bên tinh toán và sản xuất bằng chứng có thể xài Zk-Snark hoặc Zk-Stark và các người khác chỉ cần xác minh cái bằng chứng này là được. Ứng dụng rõ nhất là các layer 2 trên Ethereum, tính toán sẽ được thực hiện ở layer 2 và gửi bằng chứng về layer 1, layer 1 (ở đây là Ethereum) sẽ không thực hiện lại các giao dịch mà chỉ cần xác minh tính đúng đắn của nó qua proofs mà layer 2 gửi về, đồng thuận và lưu trữ ở layer 1 (nếu proofs hợp lệ). Do vậy giúp mở rộng blockchain. 
  2. Privacy: tính riêng tư – Việc tận dụng ZK để che giấu đầu vào tính toán cho phép các bên giao dịch với quyền riêng tư được nâng cao, ngăn chặn việc tiết lộ thông tin không liên quan cho công chúng. Ví dụ: bạn có thể xác thực việc có đủ ETH trong số dư (đầu vào tính toán) của mình để mua mà không làm lộ người gửi tiền điện tử ban đầu.

Các loại bằng chứng không kiến thức:

Có 2 loại bằng chứng không kiến thức phổ biến nhất đó là Zk-Snark và Zk-Stark. Cả hai loại này sẽ được mình phân tích ở dưới.

Zk-Snark là gì ?

Zk-Snark tượng trưng cho: Zero-Knowledge Succinct Non-Interactive Argument of Knowledge nghĩa là bằng chứng không có kiến thức, không tương tác rút gọn trong đó:

  1. Zero-knowledge: một người xác minh chỉ có thể xác thực được tính toàn vẹn, tính đúng đắn của một tuyên bố mà không biết thêm bất cứ thứ gi khác. Thứ duy nhất mà người xác minh biết được đó là true/false. 
  2. Succinct: ngắn gọn, bằng chứng không kiến thức nhỏ gọn và có thể nhanh chóng được xác minh.
  3. Non-interactive: không tương tác bởi vì người chứng minh và người xác minh chỉ cần tương tác đúng 1 lần không giống như cách chứng minh tương tác, prover và verifier phải tương tác qua lại nhiều lần.
  4. Argument: bằng chứng không kiến thức thỏa mãn được yêu cầu về tính đúng đắn, gần như không thể gian lận. 
  5. (of Knowledge): zk-proof  không thể được tạo ra nếu không thể truy cập hoặc có kiến thức về thông tin bí mật (Witness). Rất khó nếu muốn nói là gần như không thể, nếu người chứng minh không có quyền truy cập hoặc có kiến thức về Witness thì không thể tạo ra được một Zk-proof hợp lệ.  

Ưu điểm của công nghệ Zk-Snark:

Bằng chứng không có kiến thức “ngắn gọn” có thể được xác minh trong vòng vài mili giây, với độ dài bằng chứng chỉ nặng vài trăm byte ngay cả đối với các tuyên bố về các tính toán rất lớn.

tong-quan-ve-cong-nghe-zk-zk-snark-zk-stark-zk-proof-la-gi-6

Như ảnh trên các bạn có thể thấy Snarks có khối lượng nhẹ nhất chỉ 0.2Kb.

Bảo vệ được quyền riêng tư của người dùng khi không tiết lộ thông tin gì của người dùng ngoại trừ tuyên bố đúng/sai.

Nhược điểm của công nghệ Zk-Snark:

Zk-Snark yêu cầu phải có trusted setup tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ Zk-Snark gần đây thì không cần trusted setup nữa.

Không có khả năng chống lại siêu máy tính hoặc máy tính lượng tử. Nhưng không cần phải quá lo lắng vì nó chỉ là giả thuyết mà thôi vì những siêu máy tính như vậy chưa tồn tại và mật mã luôn được cả tiến, tiến bộ mỗi ngày nên nếu ngày đó đến thì có thể chúng ta đã có một giải pháp khác cho việc này rồi.

Yêu cầu sức mạnh tính toán lớn để tạo ra bằng chứng.

Phức tạp để phát triển và đặt ra các tiêu chuẩn chung cho nhiều bên tham gia và tương tác với nhau.

Zk-Stark là gì?

Zk-Stark ra đời sau Zk-Snark tuy nhiên nó lại bảo mật hơn rất nhiều bù lại thời gian tạo bằng chứng lâu và bằng chứng nặng hơn rất rất nhiều so với Zk-Snark. Zk-Stark tượng trưng cho:

  1. Scalable: khả năng mở rộng. Zk-Stark có khả năng tạo và xác minh proofs nhanh hơn so với Zk-Snark
  2. Transparent: tính minh bạch, Zk-snark cần phải có trusted setup (thiết lập đáng tin cậy – mặc dù về sau này không cần nữa do công nghệ phát triển hơn), còn Zk-Stark thì dựa vào tính ngẫu nhiên có thể xác minh để tạo ra các tham số công khai nhằm chứng minh và xác minh tính hợp lệ của nó. 
  3. Argument: giống Snark
  4. (of) Knowledge: giống Snark

Ưu điểm của Zk-STARK

Chống được cả máy tính lượng tử, như hình bên dưới bạn sẽ thấy chỉ có Zk-Stark là làm được việc này.

Bảo vệ được quyền riêng tư của người dùng khi không tiết lộ thông tin gì của người dùng ngoại trừ tuyên bố đúng/sai.

tong-quan-ve-cong-nghe-zk-zk-snark-zk-stark-zk-proof-la-gi-6

Nhược điểm của Zk-STARK

  1. Bằng chứng của Zk-Snark được tạo lâu hơn và có độ nặng lớn hơn rất rất nhiều so với Zk-Snark 
  2. Yêu cầu sức mạnh tính toán lớn để tạo ra bằng chứng. 
  3. Phức tạp để phát triển và đặt ra các tiêu chuẩn chung cho nhiều bên tham gia và tương tác với nhau.

So sánh giữa Zk-Snark và Zk-Stark

Mỗi loại Zk đều có những ưu và nhược điểm khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu mà các dapps hoặc chains có thể lựa chọn loại Zk phù hợp. Ví dụ như yêu cầu bảo mật, tính chính xác cao và chấp nhận chi phí cao thì có thể xài Zk-Stark để bảo đảm an toàn, nhưng ngược lại nếu chỉ cần phí rẻ, nhanh, nhẹ thì có thể sử dụng Zk-Snark. Bảng so sánh giữa 2 công nghệ sẽ được để trực tiếp dưới đây.

tong-quan-ve-cong-nghe-zk-zk-snark-zk-stark-zk-proof-la-gi-7

Hệ thống bằng chứng là gì?

Hệ thống bằng chứng giống như kiểu chúng ta phải thống nhất là sử dụng đơn vị nào để đối chiếu với nhau vậy, không thể dùng km để đo xem 1 thứ nặng bao nhiêu kg được. Thì hệ thống bằng chứng cũng kiểu như là chúng ta sẽ chọn cách nào mà cả 2 đều thống nhất là tin tưởng vào hệ thống bằng chứng đó từ đó tạo ra bằng chứng mà có thể chứng minh và xác thực được. Không thể một người chứng minh 1 cách, còn người kia xác minh 1 kiểu mà 2 cái này không liên quan với nhau, như vậy thì sẽ không dẫn tới kết quả gì. Vì một người sẽ không tin vào cách mà người kia chứng minh và ngược lại, nên cần phải có 1 chuẩn chung được đồng ý bởi cả 2 bên và sử dụng hệ thống bằng chứng này để tạo và xác minh các proofs.

Hiện nay có rất nhiều hệ thống bằng chứng được sử dụng và các biến thể của nó như: Plonky2, turbo PLONK vv. Và hiện nay PLONK được nhiều bên lựa chọn để xây dựng bằng chứng không có kiến thức sử dụng với mục đích sử dụng chung như: Zcash, Aztec Network, ZkSync vv.

Ứng dụng của công nghệ ZK

Công nghệ Zk có rất nhiều ứng dụng quan trọng, một trong số chúng đã xuất hiện, một số có thể sẽ xuất hiện trong tương lai, một vài các ứng dụng tiêu biểu và phổ biến của Zk đó là:

Xác minh danh tính kỹ thuật số:

Zk-proofs có thể được sử dụng để xác minh danh tính của một người mà không tiết lộ bất cứ thông tin nhạy cảm nào của người đó ví dụ: tên, độ tuổi, giới tính, nơi sinh sống vv. Xác minh danh tính kỹ thuật số đặc biệt hữu dụng đối với các ứng dụng ví như bỏ phiếu bầu, nơi danh tính của cử tri phải được xác minh mà không ảnh hưởng đến tính ẩn danh của họ.

Giao dịch bảo vệ quyền riêng tư

Ví dụ: ứng dụng phi tập trung MantaPay (DApp) của Manta Network sử dụng ZKP để cho phép người dùng thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch phi tập trung (DEX) mà không tiết lộ danh tính hoặc chi tiết giao dịch của họ. Điều này cho phép người dùng duy trì quyền riêng tư của họ trong khi vẫn có thể sử dụng nền tảng để giao dịch.

Các giao dịch ẩn danh

Tức là không hiển thị số tiền giao dịch, người nhận, người gửi trên chain và vì vậy ẩn danh hết các thông tin giao dịch. Zcash là một loại tiền điện tử sử dụng bằng chứng không có kiến thức để cho phép các giao dịch được bảo vệ. Trong các giao dịch như vậy, địa chỉ người gửi và người nhận cũng như số tiền giao dịch sẽ bị ẩn khỏi chuỗi khối công khai, mang lại sự riêng tư bổ sung cho người dùng.

Tokenized tài sản và xác minh quyền sở hữu tài sản

Bằng chứng không có kiến thức cũng có thể được sử dụng để mã hóa tài sản và xác minh bằng chứng về quyền sở hữu của chúng. Ví dụ: một tài sản có thể được mã hóa và bất kỳ bên nào cũng có thể xác minh quyền sở hữu tài sản đó mà không tiết lộ công khai bất kỳ thông tin nào khác. 

Zk technology đang được ứng dụng như thế nào?

Zk-Rollups:

Vì chi phí và thời gian xử lý giao dịch trên layer 1 (base layer) quá tốn kém và lâu nên đã ra đời các layer 2 sử dụng giải pháp Optimistic Rollups và Zk-Rollups để tăng cường khả năng mở rộng cho layer 1. Trong đó việc thực thi sẽ được thực hiện trên 1 lớp khác (layer 2) và sau khi thực hiện rất nhiều các giao dịch, nó gom tất cả các giao dịch lại thành 1 batch/rollup (giống như 1 bản tổng hợp kết quả của các giao dịch), sau đó tạo thành bằng chứng (proofs) để chứng minh tính đúng đắn của giao dịch bằng công nghệ Zk và gửi nó về layer 1 để xác minh. Và vì xử lý nhiều giao dịch trên layer 2 sau đó tạo bằng chứng và gửi về layer 1 để xác minh, nó tiết kiệm rất nhiều về mặt chi phí. Về mặt tính toán thì các layer 2 này xử lý giao dịch nhanh hơn rất nhiều so với layer 1 cho nên cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Có nhiều kiểu layer 2 sử dụng Zk-rollups cho các mục đích khác nhau ví dụ tạo ra chain có mục đích sử dụng chung (general purpose chain) và các chain này thường để xây dựng 1 hệ sinh thái mới trên layer 2, hoặc nó tạo ra 1 chain riêng (specific purpose chain) để sử dụng cho 1 mục đích cụ thể nào đó ví dụ như hạ thấp tính bảo mật nhưng ưu tiên tốc độ chẳng hạn đối với các sản phẩm không quá ưu tiên bảo mật như gaming vv. Các ứng dụng sử dụng công nghệ Zk-rollups để mở rộng ETH là: Zk-Sync, ImmutableX, StarkWare, DYDX, Loopring, Aztec vv. 

Zk-EVM

Cách hoạt động của Zk-EVM thì tương tự như Roll-ups, tuy nhiên có 1 chút khác biệt đó là Layer 2 Zk-EVM tương thích với máy chủ ảo của Ethereum và do vậy các Dapps có thể dễ dàng để mang lên trên Layer 2 này mà không cần phải chỉnh sửa quá nhiều về code, có nhiều mức độ tương thích EVM khác nhau, tương thích càng cao thì việc sửa lại code càng ít. Một số dự án layer 2 của ETH sử dụng Zk-EVM như: Polygon Zk-EVM, ZkSync Era, Scroll, Linea.

Các dự án nào đang sử dụng công nghệ Zk nào cho bản thân họ?

Các dự án sử dụng Zk-Snark

  1. Mina Protocol
  2. Dusk Network
  3. ImmutableX
  4. Zk-Sync 2.0

Các dự án sử dụng Zk-Stark

  1. StarkEx
  2. StarkNet

Ở trên chỉ là một vài dự án sử dụng công nghệ Zk-Snark/Zk-Stark mà mình biết, còn rất nhiều dự án khác sử dụng công nghệ Zk mà bạn có thể tìm hiểu thêm.

Kết luận

Zk-proofs đang nhanh chóng thu hút được sự chú ý vì các đặc tính độc đáo của chúng là bảo vệ quyền riêng tư và tiềm năng mở rộng. Ứng dụng ngày càng tăng của công nghệ này trong blockchain, tiền điện tử và DeFi có thể sẽ mang lại nhiều dịch vụ sáng tạo hơn mang lại lợi ích to lớn cho người dùng. Bên cạnh những nhược điểm hiện tại, Zk-Proofs vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra hệ sinh thái DApp an toàn, riêng tư và hiệu quả hơn.

Disclaimer

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin. Nó không nhằm mục đích tư vấn đầu tư. Bạn nên tiến hành nghiên cứu của riêng mình trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào. Hiệu suất trong quá khứ của bất kỳ tài sản nào không phải là dấu hiệu của kết quả trong tương lai. Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không có ý hạ thấp bất kỳ dự án nào được đề cập trong bài viết này. Tác giả sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất nào do bài viết này gây ra. Bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, nếu bạn muốn đóng góp về bài viết vui lòng liên hệ với mình qua đường link phía dưới nhé.

Leave a reply:

Site Footer

You cannot copy content of this page